28 thg 3, 2014

Chung cư Hà Nội rậm rịch tăng giá

Bất động sản đang ấm dần


Thị trường vừa nhúc nhắc chuyển mình, một số doanh nghiệp địa ốc đã tính toán điều chỉnh giá bán căn hộ từ 3-10% với lý do giá bán đang thấp. 

Tổng công ty Viglacera cho biết sau ngày 30/3 sẽ tính toán điều chỉnh giá bán khoảng 100 căn hộ dự án Thang Long Number One lên ít nhất khoảng 3-5% tùy theo biến động của thị trường. Giá bán hiện tại của dự án là 30,8 triệu đồng mỗi m2 (đã bao gồm VAT).
Ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ GP Invest cho hay, công ty đang dự tính sang tháng sẽ nghỉ bán để điều chỉnh lại mức giá căn hộ tại một số dự án. Không tiết lộ chi tiết, ông khẳng định mức điều chỉnh sẽ không quá cao và phù hợp với giá chung của thị trường. Trước mắt doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá một số dự án thêm khoảng 5% do diện tích tính căn hộ tính theo thông thủy thay vì tim tường. “Đơn giá bán từng m2 tăng lên nhưng tổng số tiền người mua nhà phải trả cho những căn hộ đó là không thay đổi”, ông Hiệp khẳng định.
Trước đó, Công ty TNHH Hòa Bình cũng dự kiến công ty sẽ tăng giá bán căn hộ dự án Hòa Bình Green City ít nhất 10% so với giá bán hiện nay do “giá thị trường đang quá thấp”.
Trên thị trường thứ cấp, hàng loạt căn hộ diện tích nhỏ, sắp hoàn thiện, cở sở hạ tầng hoàn thiện hoặc đã có thể ở ngay cũng được bán trao tay chênh hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng như án Golden Silk, Time City, Mandarin Garden, 102 Trường Chinh, Discovery Complex… Tại những dự án này, các căn hộ diện tích nhỏ chủ đầu tư đã bán hết hàng. Khách hàng mua đi bán lại chủ yếu thông qua hình thức tự thỏa thuận. Một số căn góc, diện tích nhỏ, tầng không quá cao, nhìn thẳng xuống hồ hoặc ra không gian thoáng được khách lựa chọn nhiều hơn.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư VIC ông Nguyễn Viết Hải nhận định, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đang ấm dần lên ở một số khu vực có hạ tầng ổn định, dự án dần đi vào hoàn thiện. Theo ông Hải, toàn cảnh thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Ngoại trừ một số dự án ăn theo hạ tầng dọc khu vực đường Trường Chinh mở rộng được nhiều khách hàng quan tâm, thị trường mới ở trạng thái nhúc nhắc.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư VIC cho rằng, lòng tin khách hàng bị tổn thương do quá nhiều dự án chậm tiến độ, tranh chấp trong bất động sản xảy ra vừa qua. “Khách hàng chỉ chọn những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh để đảm bảo dự án không bị chậm tiến độ. Người mua tại thời điểm này chủ yếu là khách hàng thực, dân đầu tư chiếm tỷ lệ rất nhỏ”, ông cho hay.
Giới chuyên gia bất động sản nhìn nhận, thị trường chung cư rậm rịch tăng giá và thanh khoản tại một số dự án tăng cho thấy thị trường có tín hiệu vui, song địa ốc khó có khả năng lên cơn sốt. Ông Vũ Cương Quyết,  Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất xanh miền Bắc cho rằng, thị trường chung cư tăng giá chủ yếu do cách diện tích căn hộ theo phương pháp mới. Thông tư của Bộ Xây dựng quy định, từ 8/4, diện tích căn hộ sẽ được tính theo kích thước thông thủy, không bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong nhà.
"Cách tính này khiến diện tích bán căn hộ có thể bị giảm đi khoảng 3-4%, do đó, chủ đầu tư sẽ tăng giá bán trên mỗi m2 để đảm bảo lợi nhuận thu về", ông Quyết nói.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đầu năm 2014, mức giảm giá nhà tại một số dự án có dấu hiệu chững lại, thậm chí có một trường hợp có dấu hiệu tăng giá nhẹ. Qua hơn 2 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội đã có nhiều giao dịch thành công mặc dù có thời gian dài nghỉ Tết cổ truyền. Theo thống kê của một số sàn giao dịch và các chủ đầu tư trong tháng 1 và tháng 2, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.290 giao dịch thành công (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013). Lượng giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có vị trí đẹp, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện.

26 thg 3, 2014

Hà Nội đóng cửa 50% sàn giao dịch BĐS

Đó là thông tin đáng chú ý tại đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) của Bộ Xây dựng vừa được công bố.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2010 đến nay, thị trường nhà đất trầm lắng lượng giao dịch trên thị trường giảm sút, các sàn giao dịch BĐS gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Vì vậy, nhiều sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, tạm thời chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc giải thể. Riêng Hà Nội, có trên 50% sàn giao dịch BĐS ngừng hoạt động.

Trước đây, trong thời kỳ thị trường nhà đất phát triển nóng, số lượng sàn giao dịch BĐS phát triển nhanh nhưng chủ yếu là ở TP.HCM và Hà Nội. Riêng TP.HCM có trên 400 sàn giao dịch đăng ký hoạt động, Hà Nội có gần 500 sàn giao dịch đăng ký hoạt động.

Theo Bộ Xây dựng, có một số sàn giao dịch hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thậm chí làm ăn theo kiểu chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh, không chấp hành đúng thủ tục giao dịch qua sàn, thu phí quá cao…

Bộ Xây dựng nhận định việc quy định bắt buộc giao dịch nhà đất phải qua sàn giao dịch BĐS đã làm tăng thêm thủ tục, thêm chi phí mà người mua, người thuê BĐS phải gánh chịu thêm. Việc bắt buộc giao dịch phải qua sàn chỉ cần thiết khi cung không đáp ứng đủ cầu và thị trường nóng, sốt. Còn như hiện nay, thị trường trầm lắng, chủ đầu tư khuyến mãi, chào bán rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn không bán được hàng nên nhiều sàn phải đóng cửa. Do vậy, việc bắt buộc giao dịch nhà đất phải qua sàn BĐS là không phù hợp.




24 thg 3, 2014

Người nghèo "dài cổ" chờ được mua nhà ở xã hội

Với các nguyên nhân khách quan và chủ quan mà hai cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải ngân gói hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang nhìn nhận, người dân nghèo có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp còn phải dài cổ chờ.
Nguồn cung hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không “thông”

Tính đến 15/3/2014 các ngân hàng đã cam kết cho 3.048 khách hàng vay với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với 31/12/2013. 

Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực triển khai cho vay, tiếp cận các dự án của doanh nghiệp, “tuy nhiên tốc độ giải ngân phụ thuộc vào tiến độ thi công cũng như khối lượng xây dựng của các dự án”. “Bộ Xây dựng đã đưa ra danh mục 81 dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, nhiều dự án trong số 81 dự án trong danh mục do Bộ Xây dựng công bố vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý (ví dụ như thủ tục chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục cấp giấy phép xây dựng…) dẫn đến các ngân hàng không thể ký hợp đồng và giải ngân đối với các dự án này” - Vụ Tín dụng cho biết.

Nguồn cung nhà ở xã hội,  nhà thương mại giá rẻ đủ điều kiện vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến từ những dự án mới và dự án chuyển đổi, trong đó dự án chuyển đổi là nguồn quan trọng, vừa giúp nhanh có sản phẩm, vừa giải tỏa tồn đọng cho thị trường bất động sản. 

Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 25 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cụ thể, tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi từ 5.478 căn thành 10.587 căn. Tại TP.HCM, có 10 dự án với quy mô số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội là 9.052 căn hộ, tăng 4.397 căn. 

Con số dự án đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng không nhiều, nhưng số dự án được chấp thuận cho chuyển đổi lại càng khiêm tốn hơn. Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong số 15 dự án xin chuyển đổi tại địa bàn Hà Nội, chỉ có 6 dự án được chấp thuận về chủ trương cho phép chuyển đổi, 6 dự án đang được xem xét và có 3 dự án không đủ điều kiện.

Dù Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về việc thực hiện chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội để được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, thế nhưng mới đây, khi trao đổi với báo chí về số lượng ít ỏi dự án ở Hà Nội được chuyển đổi, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đa phần các hồ sơ còn thiếu nhiều thủ tục liên quan, như dự án thương mại xin chuyển đổi phải đáp ứng đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Sơn - đại diện một chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khu vực Từ Liêm (Hà Nội) bày tỏ, dự án của ông đã huy động vốn khoảng 1/4 số lượng căn hộ, đã từng muốn xin chuyển đổi nhưng nay đành bỏ cuộc, chờ diễn biến thị trường để quyết định số phận dự án.

 “Quy định trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện điều chỉnh cơ cấu căn hộ, mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng là đúng. Nhưng thực hiện được thì vô cùng khó, bởi khách hàng mỗi người một ý, không tài nào tìm được đồng thuận của mấy chục con người mà hoàn chỉnh hồ sơ” - ông Sơn cho hay.

Nguồn:http://cafeland.vn/tin-tuc/nguoi-ngheo-dai-co-cho-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-44694.html